|
Cô
dâu trong thung
Hải
Miên
Đưa tay
vặn ngọn đèn dầu xuống thật nhỏ,
chị Nụ sẽ sàng nằm xuống chiếc giường
tôi. Dù sẽ sàng, chiếc giường tre cũ
vẫn kêu lên cọt kẹt.
- Cái giường này đã già lão quá rồi, Gỗ
nhỉ? Ngày trước mẹ bảo mẹ đã
sinh chị ra trên chiếc giường này. Cả em cũng
khóc chào đời ở đây. Những vệt thâm
đen trên vạt giường là do nước đái
của hai chị em mình để lại đấy.
- Thế còn cái giường em đang nằm đây?
- Tự tay bố hạ tre, đóng năm em lên 10.
Bố nói con trai lớn phải ngủ riêng, không
được nằm chung với mẹ và chị gái.
Bố đóng giường em dài hơn chiếc giường
bên này cả đoạn vì bố bảo nhìn giò
biết em sẽ cao lắm. Em có nhận thấy không?
- Có, nhưng em cứ tưởng khúc tre dài, bố
tiếc không muốn cưa đi.
Chị Nụ bật cười, tôi cũng cười
rúc rích như chị em nhà chuột cắn lúa trong
đêm tối.
- Hai đứa mày không lo mà đi ngủ, khuya rồi
- giọng anh tôi ngái ngủ. Tiếp theo là tiếng nói
nhẹ nhàng và xa cách của chị dâu:
- Mai cả nhà phải dậy sớm để dỡ
đám khoai trên đồi, trưa ở lại luôn. Cô
Nụ nhớ nấu cơm sớm và dỡ theo cho chúng
tôi.
Chỉ nghe tiếng chị Nụ trả lời
khẽ: "Vâng", rồi tất cả chìm vào yên
lặng. Hình như chị Nụ không ngủ
được, lâu lâu lại nghe tiếng chị
trở mình, tiếng thở dài cố nén.
- Gỗ, em còn thức không?
Tôi nắm lấy bàn tay 20 tuổi khô gầy của
chị đang rờ nhẹ trên mặt mình, áp vào má.
Bàn tay chị có mùi mặn mặn, tôi sực nhớ
lúc chiều chị đã muối một vại cà bát
và hai chum nhỏ cà pháo. Chị Nụ lại thở dài.
- Gỗ này, chắc chị phải đi lấy
chồng.
Cố lắm tôi mới không kêu lên thảng thốt
mà cũng thầm thì như chị:
- Nhưng chị mù loà...
- Chị cũng biết vậy - tiếng chị
buồn và cam chịu - Nhưng chị không đến
nỗi vô dụng. Chắc cũng có người đàn
ông kém vẹn toàn nào đó muốn lấy chị làm
vợ chứ, em có nghĩ vậy không?
Đột nhiên chị im lặng giây lâu. Tôi quờ
tay lên mặt chị chạm phải hai dòng nước
mắt chứa chan.
Gia đình tôi đã bao đời sống ở nông
trang này, quây quần trong thung cùng hơn 50 nóc nhà khác.
Bị chắn chung quanh bởi đồi, núi và
một con dốc cao chót vót, những ngọn gió trong
thung thường quanh quẩn khắp lượt các
cửa nhà, những bàn chân trẻ con hiếu động
cũng dừng lại trước vách núi và con
dốc chắn. Nhưng chúng tôi không hoàn toàn bị cô
lập. Phía bên kia con dốc là đường
dẫn xuống chợ, xuống phố phường,
cửa hiệu náo nhiệt tưng bừng.
Chợ năm ngày một phiên. Với bọn trẻ
con, xuống chợ là một phần thưởng năm
chúng lên 10 tuổi, khi chúng có thể gánh đỡ
bố mẹ hai mủng khoai, bắp cải hoặc lúa
gạo. Rồi từ đó mỗi năm một
lần, chúng lại được theo bố mẹ,
ông bà hoặc anh em xuống chợ một lần vào
dịp Tết. Để chuẩn bị cho đi
chợ Tết, chúng phải để dành tiền xu
quanh năm, nhịn thèm tất thảy đến
mức nhìn những quả thông, quả ớt hay trái
cà chúng đều thấy có hình que kem mát lạnh và
viên kẹo mút ngọt lịm. Chúng dành tiền đi
chợ Tết mua bong bóng, kẹp tóc, dép mới.
Tôi đã đi chợ Tết bốn lần. Chị
Nụ 20 tuổi chưa được đi chợ
Tết lần nào bởi quãng đường đó
xa xôi và lạ lẫm đối với một người
mù như chị. Những người lớn ở nông
trang chúng tôi vừa tự hào vừa tự ti về cái
làng nhỏ của mình nên nhiều đời các
cuộc hôn nhân chỉ chăng đèn kết hoa
từ cửa nhà này sang cửa nhà khác ngay trong làng.
Đến lứa của anh Cả, chị Nụ tôi
thì các bậc cha mẹ đã phải nhờ đến
ông mai bà mối cưỡi ngựa vượt qua
thung, đi đến các làng khác để kén dâu tìm
rể mặc dù điều đó trái với tục
lệ của nông trang. Chị dâu tôi bây giờ cũng
do một ông bà mối dẫn về từ một làng
rất xa...
Gia đình chúng tôi cũng từng vững chãi như
mọi nhà khác trong làng, thời mà mỗi bữa
ăn chị Nụ phải dọn ra mâm đủ sáu
đôi đũa, sáu cái bát cho ông nội, bố
mẹ và ba anh em. Thời đó nhà tôi có ông nội
trông nhà, hạ tre ngồi đan thúng mủng,
giần sàng và vót đũa dưới bóng mát
của cây mít trước ngõ, có bố để anh
cả theo sau đuôi trâu tập cày, có mẹ để
bày chị Nụ nấu cơm, may vá và tôi còn cố
trợn mắt trợn mũi nhai nuốt thật nhanh
mỗi bữa hai bát cơm chan canh để tối
được mẹ cho sờ tí.
Ngày qua tháng lại,
mắt bọn trẻ con chúng tôi xa dần, xa dần
mặt đất thì những người già cứ
mỗi ngày còng xuống gần hơn với đất,
cho đến khi nằm hẳn xuống ngủ một
giấc muôn đời. Ông nội tôi thở hơi
cuối cùng khi mẹ đang hối hả đào
hố trồng xuống sau vườn một cây ăn
trái lâu năm. Đây là tục lệ của riêng người
trong thung. Khi trong nhà có một người lớn
tuổi về với đất thì người đàn
bà của gia đình đó phải trồng xuống
một loại cây lâu năm kịp trước khi người
kia im hơi tắt tiếng. Linh hồn của người
chết sẽ không chịu vùi sâu dưới ba
tấc đất cùng thể xác của họ mà thoát
ra, nhập vào thân cây ấy trong vườn nhà.
Với những người trẻ, linh hồn sẽ
bay đi nương vào một cây trên rừng.
Hằng năm vào ngày mồng một Tết, chúng tôi
có lễ thăm cây. Trước hết là thăm cây
trong vườn nhà và sau đó toả lên rừng.
Giờ ông nội đã trú ẩn trong cây mít trước
ngõ, bố tôi ở cây xoài sau nhà và mẹ tôi ở
cây xoan cạnh bờ mương. Mỗi khi buồn,
chị Nụ hay ra tựa lưng vào gốc cây xoan,
một chốc lại lẳng lặng quay vào, không
muốn để ai nhìn thấy. Nhưng tôi biết bí
mật của chị. Tôi còn biết từ dạo nhà
có chị dâu, chị rất hay lén ra dựa gốc
xoan...
Tôi không chắc trong hai người, anh cả và
chị Nụ, ai là người háo hức đón cô dâu
mới hơn bởi anh luôn giữ vẻ mặt căng
thẳng, lạnh lùng. Sau ngày đón cô dâu một
thời gian cũng vậy. Chị Nụ vốn tính
trầm lặng nhưng khi có chị dâu, chị
bỗng trở nên hoạt bát và nói nhiều. Tuần
đầu chị Nụ là bạn trò chuyện duy
nhất của chị dâu. Chị kể rất
nhiều về những người trong nhà, nhất là
anh cả. Chị nói cho chị dâu biết về linh
hồn của ông nội ẩn trong cây mít, bố
ở ngoài cây xoài, mẹ nương cây xoan. Chị dâu
rất ngạc nhiên, hồ nghi: "Ở làng chúng tôi
không có tục lệ như vậy".
Một cách chậm chạp nhưng anh cả ngày
một đổi khác. Sau mỗi đêm ngủ
dậy anh thường nói với chị em tôi,
nhất là chị Nụ, những điều mới
mẻ, lạ lùng. Nói một lèo, trơn tru, chặt
chẽ. Chúng tôi vẫn yêu quý anh nhưng ngày một
e ngại anh mình. Chị dâu chưa bao giờ rầy
la hay tỏ ý không hài lòng về hai đứa em.
Đến bữa ăn, chị dâu luôn ngồi ở
đầu nồi, nhận lấy việc xới cơm
cho cả nhà, và cả tôi lẫn chị Nụ, không
ai bảo ai nhưng đều hết sức e dè khi
đưa bát cho chị dâu xới bát cơm thứ
ba. Rồi dần dà, dù đói dù no, chúng tôi luôn
dừng ở bát thứ hai. Tội nhất là chị
Nụ. Trước đây tôi là người gắp
thức ăn cho chị trong mỗi bữa cơm, nhưng
về sau này tôi thực thi nhiệm vụ của mình
hết sức e dè, tiết kiệm. Chị dâu ít nói.
Chị dâu xoay chuyển nếp sống của cả
nhà theo ý riêng của chị bằng một uy lực
vô hình.
Nắm lấy tay tôi, quơ quơ cây gậy trên con
đường làng nhỏ hẹp, lẫn lộn phân
trâu phân ngựa, chị Nụ bảo: "Gỗ, em
đi tới nhà bà Duyên với chị. Có em, chị
vững tâm hơn". Bà Duyên chuyên làm nghề mai
mối ở làng tôi. Bà dẻo miệng, có thể ghép
duyên giữa một anh trai thọt chân với cô gái
đẹp người tốt nết nhất làng mà
không ai trách móc được bà. Giúp chị Nụ
nhảy qua một con suối cạn và hẹp xong, tôi
hỏi:
- Việc này sao chị không nhờ anh cả đi giúp
cho đỡ khổ?
Chị cười, vẫn nụ cười và
giọng nói cam chịu:
- Đúng ra là phải như vậy, con gái mọi nhà
khác đều để mẹ đi lo việc này.
Ở nhà mình thì anh cả đi là phải lẽ
nhất. Chỉ có hạng con gái không ra gì, không
biết xấu hổ thì mới tự đi nhờ người
kiếm chồng cho mình. Nhưng phận chị mù loà,
có đáng gì mà chảnh choẹ, người ta sinh ghét
thêm.
Từ nhà bà mối Duyên
trở về, chị bảo tôi khoan về thẳng nhà
mà ngồi nghỉ chân bên lòng suối cạn một
lúc. Hai chị em vục chân trong làn nước mát
lạnh, trong veo, thấy rõ từng con cá bé bằng
đầu tăm trong suối bơi dạt theo nước
chảy. Chị vốc nước lên vã vào mặt,
cho chảy ròng ròng xuống cổ, ướt cả
ngực áo và tạt nước lên rửa chân tay. Tôi
nhận ra chị Nụ của mình không hèn kém chút nào
như đôi mắt mù của chị. Chân tay chị
thon thả, trắng ngần và đẹp đẽ hơn
của chị dâu tôi nhiều. Hái một chiếc lá
sơn to gấp lại như chiếc phễu, tôi
vớt được con cá suối nhỏ bằng
đầu đũa, bảo chị khum tay lại
rồi thả chú cá vào lòng bàn tay chị. Giơ cao bàn
tay chụm lại, chị yên lặng để cho dòng
nước tuôn theo những kẽ tay xuống
suối. Khi cảm thấy được con cá búng
trong lòng bàn tay, chị cúi người trả con cá
nhỏ về với suối: "Nếu như
chị không mù, chị đã có thể bơi xa như
chú cá nhỏ kia rồi...".
Không ngờ mọi việc tiến triển nhanh
thế. Khi bà mối Duyên đến nhà báo cho
biết đã có một đám bên kia núi chịu cưới
chị Duyên cho con trai họ, với điều
kiện nhà gái không đòi hỏi tiệc tùng, lễ
vật thì đúng vào bữa cơm tối, có anh
cả và chị dâu cùng nghe.
Anh chị hơi ngạc
nhiên nhưng không tỏ ý gì đặc biệt.
Chị dâu nhẹ nhàng:
- Mừng cho cô có nơi có chốn để nương
tựa. So tuổi thì cô cũng hơi cứng rồi.
Anh cả hỏi kỹ hơn về gia đình đằng
trai và bản thân người chồng sắp cưới
của chị Nụ. Bà mối Duyên trả lời qua
loa, bảo:
- Bên mình đừng đòi hỏi quá. Phận cô
Nụ mù loà, có người chịu cưới cho là
may lắm. Tôi phải trổ hết tài khéo của
một bà mối giàu kinh nghiệm ra mới xong đấy.
Tối đó, chị
Nụ không ngủ được. Chị quay sang tôi:
- Gỗ này, không biết mai sau đời chị
thế nào nhỉ? Có được như chị dâu
nhà mình không?
Tôi chưa biết nói sao thì chị đã tiếp:
- Chắc là không. Chẳng biết xứ ấy nó ra làm
sao? Đã bao giờ em thả trâu sang tận xứ
ấy chưa, có giống như ở đây không?
Tôi chưa bao giờ
biết xứ ấy cả, mà cả làng tôi cũng
chưa chắc ai đã một lần đặt chân
đến. Một làng ở sau núi? Sau ngọn núi cao
dựng đứng vây bọc thung này, còn có một làng
nào đó sinh sống ư? Hiểm trở, heo hút
đến thế kia mà.
Ngồi dậy uống
một hớp nước để trong chiếc
ấm đất ở dưới nhà, ngay cạnh
đầu giường, chị nài nỉ tôi:
- Hai hôm nữa tới phiên chợ, em dẫn chị
đi chợ với nghe, Gỗ. Chị đi không
được mau nhưng chị sẽ cố,
miễn là em chịu đi chậm lại một chút.
Chưa bao giờ chị được biết
chợ cả, chị thèm lắm. Hồi xưa,
mẹ có hứa sẽ đưa chị xuống
chợ một lần cho biết, nhưng mẹ không
kịp...
Tối hôm sau chị
Nụ xin anh cả cho tôi dẫn chị đi chợ,
chị dâu sang nhà bác họ dạm đổi đỗ
giống. Anh cả vào buồng một lúc, quay ra nhét vào
tay chị Nụ mấy tờ bạc:
- Em cầm lấy, xuống chợ muốn mua gì thì
bảo thằng Gỗ nó dẫn đi mua. Anh thấy hôm
chị nhập dâu về nhà mình, trên đầu
chị giắt nhiều những thứ gì lóng lánh, trông
đẹp lắm. - Ngập ngừng một lúc, anh cúi
đầu thở dài - Lẽ ra anh phải cho em
nhiều hơn, nhưng chị em có thai. Sắp
tới sinh em bé, hao tốn lắm.
Rồi anh vuốt
vuốt mấy sợi tóc xoà xuống trán, còn vướng
tro bếp của chị Nụ, nghẹn ngào:
- Lẽ ra anh phải đưa em xuống chợ
huyện nhiều lần rồi mới phải.
Suốt mấy năm qua, từ khi...
Để lẩn tránh phút yếu lòng, anh quả
quyết đứng dậy, vớ lấy bó đuốc
giắt sau chái bếp, gắp than bỏ vào rồi
thổi bùng lên:
- Anh đi đón chị về. Mới mưa
đường trơn lại đang có mang.
Dù không nói ra và vẫn
giữ nét mặt phẳng lặng, hiền dịu
vốn có của một người mù, nhưng tôi
biết chị Nụ đang hồi hộp và lo
sợ lắm. Lâu nay mọi việc nhà chị đều
chu toàn, dù có hơi chậm chạp, là nhờ chị
đã quen với mọi ngóc ngách và những trật
tự không bao giờ thay đổi của các đồ
vật trong nhà. Nay chị sắp sửa về một
nơi xa hút, bước chân vào một ngôi nhà hoàn toàn
xa lạ, phải mất bao nhiêu tháng chị mới
quen được với những ngóc ngách và vị
trí đồ vật? Biết có ai trong nhà ấy
tốt bụng, thương chị mù loà để
cầm tay dẫn chị từng li từng tí như ngày
xưa mẹ đã chỉ dạy cho chị hay không?
Sáng ấy hầu như
cả thung ngưng làm việc, nhất là các bà và
đám trẻ con. Họ đứng chật sân,
giẫm nát cả đám cải con mới xoè ba lá sau
giếng nước, chờ đợi đến
ngộp thở người đàn ông sẽ đến
lấy chị Nụ mù loà của tôi về làm
vợ. Chị Nụ chân mang giày mới, đầu do
chị dâu bới chải cầu kỳ, dắt
những món trâm cài lấp lánh mà chị đã mua
ở phiên chợ hôm đi với tôi, ngồi ngay
đơ trên chiếc chõng tre của chị. Bên
cạnh là tay nải quần áo, toàn đồ cũ,
để chị mang theo, có một bộ mới duy
nhất vừa may thì chị đang mặc trên người.
Khi nghe đám con nít chạy như bay ngoài đầu
dốc vào, cấp báo "Chú rể tới rồi, chú
rể tới rồi!" chị kêu tôi lại
khẽ khàng:
- Gỗ này, tí nữa em đừng bỏ ra ngoài
đó theo đám trẻ con mà hãy ngồi đây
với chị. Em cố nhìn qua kẹt cửa xem chú
rể là người như thế nào, tả thật
tỉ mỉ cho chị nghe với. Tỉ mỉ hơn
ngày em tả chị dâu nữa. Gỗ, em là đôi
mắt của chị.
Nói đến đó
chị nghĩ tới ngày mai hay sao mà hai dòng nước
mắt đổ xuống chứa chan.
Đoàn nhà trai đã vào
đến ngõ. Chẳng đông đúc, rầm rộ
như những đám cưới khác. Đi theo chú
rể chỉ có hai người đàn ông đã đến
tuổi đổ dốc, một người dắt
ngựa, một người bưng quả trầu cau
bé xíu, ngả màu héo hon, nằm lọt trong khay trà rượu.
Cả hai người đàn ông đều có dáng
vẻ thảm hại do những gì họ mang lên trên
người, mặt gầy choắt và đặc
biệt đôi mắt mí sụp vằn lên những
tia hung ác. Tôi lo sợ cho chị mình. Con ngựa
trắng đang cõng chú rể trên lưng cũng
lộ vẻ già nua, đói kém. Lông nó ngả màu khói
như những đám cỏ nắng táp trên đồi.
- Chú rể của
chị đã xuống ngựa, có vẻ cao hơn anh
cả nhà mình. Chú rể mặc đồ mới, trông
chững chạc, đường hoàng lắm.
- Sao chị nghe ngoài sân ồn lên ghê thế? Có gì không
ổn hả em?
- Các bà đang trầm trồ về chú ngựa
tuyệt đẹp của chú rể đấy. Úi chà,
chú rể có dáng đi thẳng và đẹp lắm
chị ạ.
Chị nghiêng tai về phía tôi, sốt ruột:
- Em tả cho chị nghe về nét mặt của người
ấy đi. Hiền hay dữ? Có hiền như
bố không?
- Mặt anh ấy vuông chữ điền, lông mày
rậm và đen, mắt sâu, trông tình cảm
lắm...
- Gỗ, sao chị nghe ngoài sân xôn xao ghê vậy?
- Em đoán anh ấy là người nhân hậu,
chị à.
Rồi tôi còn huyên thuyên
một lúc nữa, nhưng nước mắt tôi đã
lưng tròng. Tội nghiệp chị Nụ của tôi!
Anh rể mặc áo mới, rộng thùng thình, đoán
là áo mượn. Đầu tóc anh xù lên như
một tổ quạ và luôn tay đưa khăn lên
chấm nước dãi liên tục đổ xuống
hai bên mép. Đầu anh ngoẹo sang một bên,
dựa hẳn vào vai trái. Chắc chắn anh là người
bị ngớ ngẩn, đần độn. Khổ thân
chị tôi biết bao! Họ còn nói một thứ
tiếng mà không ai ở thung chúng tôi hiểu
được. Họ khác ngôn ngữ với chúng tôi!
Nếu không có bà mối Duyên thông dịch thì hai bên
đàng trai đàng gái đã như hai kẻ điếc
trò chuyện với nhau.
Bỏ chị Nụ
ngồi lại trong nhà, tôi lao ra sân, vẹt đám các
bà bu quanh để núp sau lưng anh cả. Tôi năn
nỉ:
- Anh cả ơi, anh đừng gả chị Nụ
cho họ. Chị ấy chết mất! Có gì khổ
lắm, mai em sẽ dẫn chị Nụ xuống
phố chợ đi xin ăn. Còn hơn...
Anh cả ngập
ngừng, lưỡng lự, nét mặt anh tỏ
vẻ kinh tởm khi nhìn thấy chú rể, con ngựa
và hai người đàn ông đi họ. Nhưng
rồi anh bắt gặp ánh mắt của người
chị dâu...
Tự tay tôi nắm dây
mũi của con trâu già dắt ra khỏi chuồng.
Con trâu mẹ này do bố mẹ chúng tôi để
lại, đã đẻ cho anh cả ba con nghé đực,
giờ anh chia con trâu mẹ cho chị Nụ đi
lấy chồng, coi như của hồi môn. Một
tay gạt nước mắt, tôi đỡ chị
Nụ lên lưng trâu, dưới có lót tấm chăn
cho chị đi đường xa đỡ mỏi người.
Lúc tôi khoác tay nải quần áo của chị lên
cặp sừng cong vút của con trâu mẹ, chị
quờ tay nắm lấy tay tôi, cúi đầu
xuống cho má chị áp vào mái đầu khét
nắng của tôi.
- Em đừng lo nhiều cho chị, Gỗ ạ. Dù
họ có như vậy, anh ta có như vậy, chị
vẫn tin là chị có thể sống được
ở nhà người ta. Chắc dù sao họ cũng thương
một kẻ mù loà như chị mà không đòi
hỏi quá khắt khe. Em có nghĩ vậy không?
Hoá ra chị Nụ
biết hết. Và chị cam chịu đón nhận cái
phận hẩm hiu mà số phận đã dành cho
một cô gái mù như chị.
- Em ở lại ngoan, đừng giận anh cả,
đừng oán chị dâu, Gỗ nhé. Thực ra
chị dâu không xấu gì với chị em mình đâu.
Người đàn ông bên họ nhà trai cất
giọng the thé xổ ra từng hồi. Tôi đoán là
ông ta giục lên đường.
Vẫn giữ nét
mặt phẳng lặng của một người mù
và nét dịu hiền vốn có, chị Nụ kéo
mạnh dây mũi, thúc vào lưng con trâu mẹ. Con trâu
mang chị đi được một quãng rồi
cứ quay đầu trở lui. Tôi chạy theo
gọi: "Chị Nụ, chị Nụ nhớ về
thăm em!". Chị quay đầu lại, nghẹn
ngào: "Em cố lớn nhanh băng núi vượt
đèo lên thăm chị, Gỗ nhé. Xa quá thế này,
chắc chẳng khi nào họ dẫn chị về
lại nhà mình nữa đâu".
Tôi leo lên gốc thị
cụt ngọn ở đầu thung, ngóng theo bóng
đoàn người mang chị Nụ tôi đi mỗi
lúc một xa dần. Trước là chú rể cưỡi
con ngựa trắng xỉn màu, sau là chị tôi
ngồi nhỏ bé trên lưng trâu, hai bên hai người
đàn ông loắt choắt. Rồi cứ khuất
dần, khuất dần, cho đến khi tôi chỉ còn
nhìn thấy một chấm đỏ xa mù, đó là
tay nải áo quần của chị tôi đu đưa
trên cặp sừng cong vút của con trâu mẹ...
|
|
 |